Ad Code

Mới Nhất

6/recent/ticker-posts

TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MẬU THÂN 1968: PHÁT HIỆN VÀ CHỚP THỜI CƠ CHIẾN LƯỢC



PGS,TS. HỒ KHANG
“Tết Mậu thân" là sự kiện tạo nên bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh kéo dài suốt 21 năm tại Việt Nam(1954-1975) trên một quy mô rộng lớn, đồng thời cũng là hiện tượng phức tạp nhất trong công tác tổng kết và biên soạn lịch sử chiến tranh chống Mỹ. Vì là một sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt của cuộc chiến tranh, lại diễn ra trên một địa bàn rộng lớn với một ý đồ chiến lược hết sức quy mô nhưng cũng vô cùng bí mật... nên cho đến nay, chúng tôi tin chắc rằng chưa một nhà nghiên cứu nào có thể dám cho rằng đã nắm được hết các tài liệu tối mật của Bộ Chính trị hay Quân ủy Trung ương (sau này là Đảng ủy Quân sự Trung ương) về chủ trương chiến lược này.

 Theo chúng tôi, những sự kiện lịch sử cận - hiện đại thường cần phải có độ lùi sáu, bảy chục năm hoặc hơn nữa kể từ khi sự kiện lịch sử đó diễn ra mới có thể tạo điều kiện cho các nhà khoa học tiếp cận tư liệu một cách đầy đủ; và khi đó, người ta mới hy vọng nhìn sự kiện lịch sử ấy từ chiều thẳm sâu của chúng trong mối tương quan đồng đại và lịch đại với các sự kiện lịch sử khác.
Cố gắng miêu tả một cách cụ thể lịch sử và toàn diện đợt tiến công "TẾT" này để rút ra được những bài học lịch sử cần thiết và mạnh dạn trình bày những suy nghĩ bước đầu của mình trong quá trình bắt tay vào nghiên cứu đề tài này, chúng tôi hy vọng rằng đó sẽ là một đóng góp nhỏ trong việc tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử kháng chiến chống Mỹ.
*            *
*
Thời cơ là một trong các điều kiện quan trọng mà mỗi bên tham chiến cần phát hiện để chớp lấy kịp thời nhằm tạo nên chuyển biến quyết định của cục diện chiến tranh. Thời cơ là cả một quá trình chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị thế trận; là cả một quá trình phân tích các nhân tố quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao liên quan tới cuộc chiến tranh trong một khoảng thời gian nhất định.
Lãnh đạo quân và dân Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ, không bao giờ Đảng, Nhà nước Việt Nam có ảo tưởng thắng Mỹ - cũng như với Pháp trước đây, trên thế áp đảo về sức mạnh quân sự thuần túy. Trong mấy chục năm chiến đấu dạn dày về kinh nghiệm của một nước nhỏ chống lại một kẻ xâm lược lớn, bao giờ Đảng LĐVN cũng rất chú trọng vấn đề thời cơ chiến lược và ra sức chuẩn bị mọi mặt để tạo thời cơ. Và một khi thời cơ đến là ra sức thúc đẩy, chớp lấy thời cơ để hạ quyết tâm chiến lược kịp thời nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh.
Ngay từ cuối năm 1965, Nghị quyết đánh Mỹcủa Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (tháng 12 năm 1965) đã chỉ ra phương hướng giành thắng lợi trong chiến tranh cục bộ là: Trên cơ sở tiếp tục quán triệt phương châm đánh lâu dài, "cần cố gắng cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam". Cần lưu ý rằng, ngay ở Nghị quyết này, khái niệm "Giành thắng lợi quyết định" ở đây không bao hàm ý nghĩa là tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân sự đối phương mà thực chất chỉ là "đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, thực hiện mục tiêu về độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà".
Theo dõi lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ từ sau năm 1965, phương châm chiến lược này đã quán xuyến trong từng chiến dịch, từng đợt hoạt động quân sự và chính trị. Việt Nam biết thắng đối phương từng bước, thắng từng bộ phận và luôn luôn tính sao cho "thắng Mỹ vừa với sức ta". Vì thế, sau thắng lợi đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ hai, đánh bại các mục tiêu chiến lược của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đảng LĐVN nhận thấy thời cơ thuận lợi tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn, đang đến gần.
Trên chiến trường, mặc dù quân số của Mỹ và chính quyền Sài Gòn lên tới mức cao nhưng tất cả ưu thế về binh lực, hỏa lực và sức cơ động bị hạn chế rất nhiều trước thế trận và cách đánh của quân dân miền Nam. Những chỗ yếu của đối phương không được khắc phục mà ngày càng bị khoét sâu thêm - đặc biệt là chỗ yếu về chính trị. Vì thế, mặc dù Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn còn rất chủ quan nhưng nhìn chung, "xu thế của tình hình trong cả nước năm 1968 là địch sẽ ngày càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước"[1].
Mặt khác, xuất phát từ sự phân tích rằng: Việt Nam không phải là mục tiêu quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu của Mỹ nên Mỹ không thể hy sinh mọi lợi ích ở các khu vực chiến lược khác vì cuộc chiến tranh Việt Nam, Đảng LĐVN nhận thấy: "So với mục đích chính trị, quân sự nhất định của chúng thì những cố gắng chiến tranh lớn của Mỹ(cùng với những thiệt hại nặng nề của chúng) ở Việt Nam đã lên tới đỉnh cao"[2]. Đây là một nhận định rất quan trọng trong việc hoạch định kế hoạch chiến lược "Tết Mậu thân". Bởi vì, trong chỉ đạo chiến lược, nhận thức được đâu là thời điểm đỉnh cao trong cố gắng chiến tranh của đối phương để xác định thời điểm tiến hành đòn đánh quyết định có ý nghĩa to lớn. Nếu nhận thức không chính xác, chọn thời điểm giáng đòn quyết định không đúng lúc thì hiệu lực thấp, , thậm chí kết quả có thể ngược lại so với tính toán ban đầu vì đối phương có thể phản ứng nhanh, tăng viện ồ ạt, tiếp tục nỗ lực chiến tranh ở mức mạnh mẽ hơn, gây cho quân dân miền Nam những tổn thất to lớn.
Ở trên chiến trường Việt Nam đã vậy, còn tại Mỹ, chính quyền Giôn-xơn đang gặp phải những khó khăn to lớn về chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội, ngoại giao do hậu quả bị sa lầy trong chiến tranh Việt Nam. Tất cả tình hình này của Mỹ được Đảng LĐVN phân tích, đánh giá. Đồng thời, Đảng LĐVN còn nhận rõ những khó khăn đó trong nội bộ nước Mỹ càng bị nhân lên khi mà năm vận động bầu cử tổng thống ở Mỹ đang xích lại gần. Vấn đề đặt ra là cần phải và có thể lợi dụng tình hình đó để buộc chính phủ Mỹ phải quyết định "xuống thang" chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán.
Về phía quân dân miền Nam, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhược điểm (về tổ chức lực lượng, về khả năng đánh tiêu diệt lớn, về đảm bảo hậu cần, về phong trào đô thị...) nhưng "diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi. Địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn"[3].
Từ những phân tích, đánh giá diễn biến và xu thế phát triển của tình hình như thế, Đảng LĐVN đã đi tới nhận định: "Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược"[4]. Tình hình đó cho phép "có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định như Nghị quyết của Hội nghị của Trung ương Đảng lần thứ 12 và 13 đã đề ra"[5].
Như vậy, trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo quân và dân ở cả hai miền Nam, Bắc đánh thắng chiến lược "chiến tranh cục bộ", Đảng LĐVN đã kiên định chủ trương "giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam" - chủ trương quán xuyến suốt gần 3 năm (1965-1967) mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 12 (tháng 12 năm 1965) và 13 (tháng 1 năm 1967) đã dự kiến. Theo phương hướng này, trong khi chỉ đạo quân và dân trên chiến trường đẩy mạnh tiến công về quân sự và chính trị, ra sức chuẩn bị thế trận và lực lượng cho trận đánh quyết định, Đảng LĐVN đồng thời theo dõi sát diễn biến trên chiến trường cũng như ở ngay trong nước Mỹ và trên thế giới. Khi phát hiện thấy động thái mới của đối phương sau mùa khô 1966-1967, Đảng LĐVN đã dự kiến được xu thế phát triển của cuộc chiến tranh và phát hiện được thời cơ để hạ quyết tâm chiến lược kịp thời bằng việc mở cuộc tiến công "Tết Mậu thân" 1968. Vì vậy, trong thư gửi Trung ương Cục và Quân ủy Miền, Lê Duẩn đã chỉ rõ: "Từ ba, bốn năm nay, ta đã chuẩn bị lực lượng và thế trận cho trận quyết chiến chiến lược này. Song, vì nhiều lý do, lực lượng chuẩn bị chưa đủ. Tuy vậy như Trung ương đã phân tích, khi đã có thời cơ thuận lợi, nếu biết làm làm đúng, có sự nỗ lực vượt bậc thì lực lượng ít cũng có thể tạo nên sức mạnh, bảo đảm giành thắng lợi rất to lớn, rất quan trọng"[6].
Nếu để ý rằng, "bức thư" vào Nam gửi Trung ương Cục và Quân ủy Miền trên đây được gửi đi trước giờ G của "Tết Mậu thân" chưa đầy 2 tuần, rằng trong "bức thư" này, những điều trích dẫn trên đây được đặt dưới tiêu đề: "thỜi cơ là hẾt sỨc quan trỌng", có thể xem đây như một mệnh lệnh cuối cùng sau 3 năm tạo thời cơ, chờ đón thời cơ và chớp lấy thời cơ để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam, của Bộ Chính trị Trung ương Đảng.
Như vậy, "Tết Mậu thân", tính đến ngày 31 tháng 3 năm 1968, là biểu hiện ý chí và sức mạnh quật cường của Con ngưỜi ViỆt Nam, dân tộc Việt Nam; biểu hiện sức sáng tạo và tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Bộ Thống soái Việt Nam: đó là nghệ thuật nắm bắt thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh, tạo bước ngoặt lớn, dẫn dắt cuộc chiến tranh đến thắng lợi cuối cùng.
Download bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ



[1] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, tháng 1 năm 1968.
[2] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, tháng 1 năm 1968.
[3] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, tháng 1 năm 1968.
[4] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, tháng 1 năm 1968.
[5] Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, tháng 1 năm 1968.
[6] Thư gửi Trung ương cục và Quân ủy miền Nam, ngày 18 tháng 1 năm 1968 (Lê Duẩn: Thư vào Nam, Sđd, tr.192).

Post a Comment

0 Comments