Ad Code

Mới Nhất

6/recent/ticker-posts

VÀI NÉT VỀ MẶT TRẬN GIAO THÔNG VẬN TẢI THỜI KỲ ĐẦU CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI (1964-1967)

HỒ KHANG[*]
         Những năm cả nước đương đầu trực tiếp với lục quân, không quân, hải quân Mỹ, giao thông vận tải là một mặt trận, mà ở đó, cuộc đọ sức, đọ lực, đọ ý chí và trí tuệ giữa quân dân hậu phương miền Bắc với vũ khí, sắt thép và bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Bài viết này tập trung trình bày công tác đảm bảo giao thông thời kỳ đầu chiến tranh phá hoại, khi công tác này trở thành nhiệm vụ trọng tâm của quân và dân miền Bắc trong những ngày đánh Mỹ.

*
*    *
         Chặn cắt giao thông là một trong số những mục tiêu chiến lược hàng đầu của không quân, hải quân Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Nhằm mục tiêu trên, ngay trong năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại, 50% số phi vụ của không quân Mỹ tập trung vào việc đánh cắt giao thông. Tiếp đó, hai năm 1966 và 1967, tỉ lệ này không sút giảm mà ngày càng gia tăng. Chỉ riêng năm 1967, hoạt động và số bom đạn Mỹ nhằm vào hệ thống giao thông vận tải trên toàn miền Bắc tăng gấp 7 lần so với năm 1965. Trong hai năm này, hầu hết toàn bộ hệ thống đường sắt, đường bộ, đường sông, cầu cống, nhà ga, kho chứa, bãi tập kết hàng và các cơ sở sản xuất, sửa chữa của ngành giao thông vận tải đều bị bom Mỹ dội xuống.
         Cường độ và qui mô đánh phá của không quân, hải quân Mỹ khiến cho việc đảm bảo giao thông trở nên cực kỳ khó khăn, gây nên sự ùn tắc ở nhiều khu vực. Đặc biệt, ở một số cửa khẩu thuộc Đoàn 559 và ở nhiều bến vượt nằm trên địa bàn Quân khu 4 như bến phà Long Đại, Xuân Sơn, Bến Thủy, khu vực cầu Hàm Rồng nối hai bờ sông Mã… máy bay và tàu chiến Mỹ thường xuyên đánh phá với mức độ vô cùng ác liệt. Vùng ven biển, các cửa sông, bến cảng, lạch biển, đảo ven bờ và nhiều mục tiêu khác thuộc Vĩnh Linh, Lệ Thủy, Đèo Ngang, Lạch Còng… đều bị đối phương đánh đi, đánh lại nhiều lần. Dẫu chưa phong tỏa ngặt cảng Hải Phòng, do lường tính khả năng phản ứng của Liên Xô và quốc tế, nhưng máy bay Mỹ ngày càng gia tăng các hoạt động lùng sục, khống chế, uy hiếp tàu, thuyền, xà-lan, ca nô ra vào trên các luồng, lạch dẫn vào cảng. Đồng thời, lực lượng máy bay của hải quân Mỹ đã rải mìn, bom từ trường, bom nổ chậm phong tỏa một số nhánh sông từ Hải Phòng tỏa đi các nơi, cũng như phong tỏa các cửa sông, lạch biển, bến phà và một số điểm tiếp nhận hàng hóa đưa từ ngoài vào miền Bắc dọc theo khu vực ven biển miền Trung.
         Đảm bảo giao thông vận tải trở thành nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, quân, dân trên miền Bắc, thành công tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên lĩnh vực nóng bỏng này, ngay từ đầu cuộc chiến tranh phá hoại, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã ra các quyết định và chỉ thị quy định về một số mặt công tác đảm bảo giao thông trên miền Bắc, đặc biệt là trên địa bàn Khu 4. Theo đó, trong điều kiện chiến tranh phá hoại lan rộng ra khắp cả nước, với mức độ ngày càng ác liệt, cần phải gấp rút thống nhất việc quản lý và sử dụng có hiệu quả cao các phương tiện giao thông vận tải hiện có, phải nhanh chóng tìm mọi biện pháp nối các trục giao thông chiến lược với nhau, phải khẩn trương tổ chức và phát triển lực lượng bám đường, bám cầu, bám các đầu mối giao thông, trước hết là trên địa bàn Quân khu 4.
         Tháng 6-1965, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, nhằm huy động sức mạnh của nam, nữ thanh niên miền Bắc tăng cường cho mặt trận giao thông vận tải. Nghị quyết Về công tác đảm bảo giao thông vận tải trong tình hình mới của Bộ Chính trị Trung ương Đảng tháng 10-1965 chỉ rõ: cần phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông, trong đó, lực lượng giao thông vận tải chuyên nghiệp là nòng cốt và bộ đội công binh, hậu cần, vận tải, phòng không là lực lượng xung kích trên mặt trận này.
         Thực hiện các chủ trương trên của Trung ương Đảng và Chính phủ, những tháng cuối năm 1965, Ban Điều hành giao thông Trung ương và các Ban điều hành giao thông ở các tỉnh, huyện dọc theo những tuyến giao thông huyết mạch được thành lập. Ngoài lực lượng chuyên trách về đảm bảo giao thông – mà quân số không ngừng tăng lên trong các năm 1966-1967, nhân dân các địa phương có các trục đường bộ, đường sắt, đường sông ngang qua đã tham gia tích cực vào công tác sửa chữa cầu, đường, san lấp hố bom, vận chuyển hàng hóa qua những trọng điểm đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ. Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang tích cực tham gia công tác bảo đảm giao thông, sử dụng khả năng phòng không và công binh để bảo vệ bằng được các tuyến giao thông chiến lược. Trên thực tế, những năm chống chiến tranh phá hoại, trên dưới  60% lực lượng phòng không miền Bắc được sử dụng vào nhiệm vụ đánh máy bay Mỹ, giữ vững mạch máu giao thông. Vùng ven biển, Bộ Tư lệnh Hải quân, bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ đã thành lập các tổ, đội quan sát, rà phá, tháo gỡ bom, mìn, thủy lôi trên các luồng sông, lạch biển…
         Sau ngày có quyết định của Quân ủy Trung ương về việc thành lập Cục Vận tải thuộc Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam (ngày 26-4-1965), lực lượng vận tải quân sự trên miền Bắc gấp rút được chấn chỉnh về biên chế, tổ chức, tăng cường về lực lượng và phương tiện vận tải. Toàn bộ lực lượng này phân thành các binh trạm, đảm trách việc vận chuyển trên từng khu vực được phân công. Từ biên giới Việt – Trung, từ cảng Hải Phòng vào đến khu vực Tây Nam Quân khu 4 – tiếp giáp với các cửa khẩu của Đoàn 559, đều có các binh trạm vận tải quân sự.
Trong khi đó trên tuyến 559, lực lượng vận tải quân sự cũng được tăng cường về mọi mặt, trở thành Đoàn hậu cần chiến lược, đảm trách việc mở đường, vận chuyển, đảm bảo hành quân chi viện cho chiến trường miền Nam và Hạ Lào. Ngoài số quân trong biên chế là 24.400 người cuối năm 1965 và tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo, Đoàn còn được phối thuộc một số trung đoàn, tiểu đoàn công binh, cao xạ và hàng nghìn nam, nữ thanh niên xung phong. Toàn bộ lực lượng này được tổ chức thành bộ phận cơ động và bộ phận tại chỗ. Bộ phận cơ động là những đơn vị hợp thành, những đơn vị chuyên môn binh chủng. Đây là lực lượng thực hiện các chiến dịch vận tải và đánh địch mở đường, giữ đường trên các hướng. Bộ phận tại chỗ gồm các binh trạm, đảm nhận việc vận chuyển, bảo vệ giao thông, đưa đón bộ đội hành quân trên từng cung đường được giao…
         Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn đã chủ động và tích cực quy hoạch, xây dựng mạng đường gồm hệ thống trục dọc, trục ngang, đường vòng tránh, đường nghi binh “lừa” đối phương, các cầu, bến vượt, bãi trú quân, bãi đậu xe, tổ chức các binh trạm, khu kho, trạm sửa chữa, bệnh viện, đài quan sát, trạm điều phối giao thông… trên các trục đường.
         Với quyết tâm cao, trí thông minh, sáng tạo và lòng dũng cảm, lực lượng đảm bảo giao thông trên miền Bắc và trên tuyến vận tải chiến lược 559 đã khắc phục muôn vàn gian khổ, hy sinh, ngày đêm bám đường, bám trận địa, giữ vững mạch máu giao thông. Trên mọi nẻo đường hướng ra tiền tuyến, nhân dân các địa phương chủ động, tích cực tham gia đảm bảo giao thông, san lấp hố bom, vận chuyển hàng hóa bằng tất cả các loại phương tiện sẵn có như thuyền nan, xe thồ, xe cút kít. “Xe chưa qua, nhà không tiếc” là quyết tâm, là hành động của bao người dân dọc theo các trục đường huyết mạch, đặc biệt trên địa bàn Khu 4, trong những năm bom đạn Mỹ ào ạt dội xuống mảnh đất này. Những tháng năm đó, đã có 22 triệu lượt người được động viên tham gia đảm bảo giao thông vận tải… Bên cạnh các tuyến giao thông huyết mạch sẵn có, trong những năm 1965, 1966, 1967, miền Bắc đã mở thêm một số tuyến đường vòng tránh, hình thành thêm nhiều bến vượt, cầu, phà dự bị, cải tạo, sửa chữa hàng nghìn ki-lô-mét đường nông thôn, xóa dần thế “độc tuyến” và “độc bến”.
         Vùng ven biển, các tổ, đội theo dõi, rà phá bom, mìn, thủy lôi không ngừng tăng về số lượng. Các tổ, đội này đêm ngày bám địa bàn, tổ chức quan sát, theo dõi các hoạt động phong tỏa của địch. Những chiến sĩ trên mặt trận này, với trí thông minh và lòng dũng cảm, đã sáng tạo nhiều phương tiện và biện pháp để tổ chức rà phá, tháo gỡ, vô hiệu hóa các loại bom, mìn, thủy lôi, góp phần quan trọng vào việc giải tỏa nhanh luồng sông, lạch biển.
         Nhìn chung, suốt những năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, mặc dù đối phương đánh phá, phong tỏa, ngăn chặn gắt gao bằng nhiều thủ đoạn, nhiều loại vũ khí, bom đạn khiến cho vận tải đường sắt, đường biển trên miền Bắc bị sụt giảm, nhưng bù lại, lực lượng vận tải đường bộ, đường sông không ngừng phát triển về số lượng, cải tiến về phương thức, nâng mức vận chuyển hàng hóa năm 1967 lên gấp 6 lần so với mức vận chuyển năm 1965. Tại cảng Hải Phòng, cho dù đối phương tăng cường đánh phá, ngăn chặn, có ngày lên tới 150 lần chiếc máy bay ném bom nhằm vào khu vực cảng, nhưng khả năng bốc dỡ hàng hóa vẫn tăng. Âm thầm và lặng lẽ, những đoàn tàu, đoàn xe, những đội ca nô, thuyền, mảng, xà-lan… vẫn đến và đi, chuyển hàng chục vạn tấn hàng từ thành phố cảng anh hùng tới các chiến trường, bất chấp sự lùng sục, đánh phá gắt gao của không quân địch. Trong khi đó, trên đường Trường Sơn, tất cả các lực lượng chiến đấu, công tác nơi đây đêm ngày bám đường, bám trận địa, lấy việc vận chuyển hàng hóa và đảm bảo hành quân làm nhiệm vụ trọng tâm, đã liên tiếp mở các chiến dịch vận chuyển, đáp ứng kịp thời đòi hỏi ngày càng tăng của các chiến trường. Kết thúc mùa khô 1966-1967, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển cho miền Namđạt 126% so với kế hoạch, tăng gấp 3 lần so với mùa khô trước; cho chiến trường Lào đạt 227% so với kế hoạch đề ra ban đầu. Đồng thời với việc vận chuyển hàng hóa, các binh trạm còn bảo đảm hành quân cho hàng chục vạn lượt người từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Do vậy, không đợi đến sau này mà ngay từ thời kỳ đó, khi cường độ đánh phá của không quân và hải quân Mỹ lên tới đỉnh cao, các nhà vạch chính sách Mỹ đã bắt đầu hoài nghi và thất vọng về khả năng và hiệu lực ngăn chặn, cắt đứt luồng tiếp tế từ ngoài vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam của hai lực lượng “át chủ bài” này của quân đội họ. Đó là một thất bại có ý nghĩa chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nói riêng, trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Namnói chung.



([*]) Tạp chí Lịch sử quân sự, số 6 / 11 & 12 - 1998

Post a Comment

0 Comments